TRUNG TÂM HUẤN LUYỆN BÓNG ĐÁ HOÀNG GIA - Hotline: 090 264 1618

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2020

Rào cản khiến trẻ 6-12 tuổi ít chơi thể thao

Nhiều phụ huynh mặc định con không thích chơi thể thao hoặc còn quá nhỏ, dễ chấn thương, lịch học dày đặc, thiếu sân tập phù hợp.

Theo bác sĩ Ngọc Diệp, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, xã hội hiện đại, phụ huynh không chỉ cho con học ở trường mà cần bổ sung kỹ năng mềm từ nhiều môi trường, mới giúp bé phát triển toàn diện. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ chưa đặt việc rèn luyện thể chất làm mối quan tâm hàng đầu. Các mẹ thường nghĩ bé còn nhỏ nên chưa cần thiết chơi thể thao, trẻ ngại vận động hoặc mẹ ưu tiên lịch học trên lớp cho con. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, trẻ 6-12 tuổi có thể chơi một số môn phù hợp như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội, võ thuật... Thời lượng tập luyện cần 120 phút mỗi ngày, trong đó, có ít nhất 60 phút vận động mức độ từ trung bình đến mạnh, tức chơi môn thể thao nào đó.

Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A, giảng viên trường Cao đẳng sư phạm Trung ương TP HCM chia sẻ, chủ yếu do nhận thức chưa đầy đủ về tác động của thể thao với sự phát triển nên trong 6 năm đầu đời, phụ huynh không chủ động đưa thể thao vào kế hoạch nuôi dạy. Căn nguyên không phải do con lười vận động mà là vì trong 6 năm đó, bé chưa được rèn luyện để hình thành thói quen.

Bất đồng về nhận thức trong chính phụ huynh còn khiến họ tìm nhiều lý do để chứng minh trước đây không cho con chơi thể thao nên bây giờ điều này không cần thiết. Bên cạnh đó, sự thiếu kiên nhẫn vì cho rằng "Tại con lười lắm, cho con tập thể thao rất khó" sẽ khiến cha mẹ chưa thể cải thiện tình hình.


Chuyên gia dinh dưỡng Ngọc Diệp, thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A, cựu tuyển thủ Công Vinh khuyến khích trẻ chơi thể thao rèn luyện sức khỏe, phát triển thể chất.

Là một bà mẹ có hai con nhỏ, MC Thanh Thảo cho rằng, ba mẹ không nên có tâm lý con lười chơi thể thao. Các bé ít yêu thích vận động do chưa có hoạt động lôi cuốn, hấp dẫn. Cha mẹ nên nghĩ ra nhiều trò chơi để tạo động lực, thực hiện cùng con. Ngay từ khi bé Dâu vào mầm non, chị đã khuyến khích Dâu tập thể dục nhịp điệu, múa ballet, yoga. Mỗi ngày gia đình chị dành 30 phút vận động để giải phóng năng lượng. Những năm tiểu học, Dâu được mẹ tạo điều kiện chơi nhiều môn như bóng đá, bóng rổ, bơi lội. Khi Bòn Bon ra đời, chị tập cho con một số động tác đơn giản để tạo thói quen từ nhỏ. Thông qua đó, chị còn giúp Dâu thấy lợi ích của vận động.


MC Thanh Thảo cho biết luôn sắp xếp công việc để cùng con vận động mỗi ngày.

Để giúp con chơi thể thao, cha mẹ cần hướng dẫn, hỗ trợ trẻ dựa trên nguyên tắc tôn trọng, sắp xếp thời gian phù hợp, cho trẻ thấy hoạt động thể lực là thỏa đáng. Con cần được cha mẹ trò chuyện, lắng nghe nhằm chọn môn thể thao, cách thức tập luyện. Trẻ sẽ tự giác hơn khi được tham gia chia sẻ ý kiến, thấy có trách nhiệm trước quyết định của bản thân.

Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A chia sẻ thêm, cha mẹ thường nghĩ thể thao là môn tay chân và chỉ hoạt động tiêu hao năng lượng nhưng để làm được điều đó, trẻ cần huy động toàn lực. Đó là lúc con học được cách giải quyết vấn đề, năng lực tâm lý gia tăng. Con không chơi một mình dù đó là môn thể thao độc lập, con phải có bạn cùng chơi, đảm nhận các vị trí khác nhau. Giao tiếp về mặt tâm lý - xã hội giúp bé hiểu về bản thân, học cách chung sống với người khác. Muốn giành chiến thắng, trẻ phải biết theo đuổi mục tiêu, học cách bền bỉ, kiên nhẫn, quyết tâm làm đến cùng. Khi trẻ cảm nghiệm được tất cả điều đó, con sẽ cảm thấy thể thao thật tuyệt vời và tự giác tập luyện, chứ không làm vì cha mẹ.

Phụ huynh nên sắp xếp thời gian biểu cho con tập luyện thể thao và học tập, lựa chọn môn vừa sức. Hoạt động được triển khai đều đặn sẽ hình thành cơ chế hành vi từ não bộ, thiết lập phản xạ có điều kiện, tạo nên thói quen để con chủ động tập luyện. Sân chơi phù hợp giúp trẻ có môi trường theo đuổi đam mê.


Cựu tuyển thủ Công Vinh chia sẻ lợi ích của chơi thể thao

Cựu tuyển thủ Công Vinh chia sẻ, ở các nước phát triển, các trường thường có khuôn viên dành cho thể thao, sân tập có mái che. Ở Việt Nam, một số trường chưa thể đáp ứng điều này nhưng đang cố gắng cải thiện. Những chương trình có yếu tố xã hội với sự tham gia của chuyên gia giúp lan tỏa rộng hơn, tác động tích cực đến suy nghĩ của phụ huynh.

Theo VNE

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618