Đặng Văn Lâm (Muangthong United, Thái Lan): Thủ môn số một của tuyển Việt Nam gia nhập Muangthong theo bản hợp đồng có thời hạn 3 năm, phí chuyển nhượng hơn 500.000 USD, lương hơn 10.000 USD mỗi tháng. Anh tiêu biểu cho tham vọng hướng ra thế giới của bóng đá Việt Nam ở mùa giải 2019. Vừa qua, Muangthong công bố Văn Lâm giữ áo số 1 và nhiều khả năng bắt chính mùa tới. Trong quá khứ, Văn Lâm từng có 1 năm chơi bóng tại Lào. Ảnh: Muangthong. Lương Xuân Trường (Buriram United, Thái Lan): Cùng với Văn Lâm, một người đồng đội khác của anh cũng gia nhập Thai League là Lương Xuân Trường. Nếu Văn Lâm gia nhập đội xếp hạng 4 mùa trước, thì Xuân Trường thậm chí thuộc quân số đội đương kim vô địch. Đây là lần thứ hai Lương Xuân Trường xuất ngoại sau 2 mùa giải ở Hàn Quốc. Ảnh: Buriram. Nguyễn Công Phượng (Incheon United, Hàn Quốc): Vừa ra mắt chính thức vào ngày 14/2, Công Phượng sẽ là tuyển thủ Việt Nam duy nhất chơi bóng tại giải quốc nội số một châu Á mùa giải 2019. Tuyên bố trước báo giới, Phượng khẳng định mình “có thể không đá chính nhưng chắc chắn phải là lựa chọn của HLV”. Trước đó, Phượng từng chơi tại J.League 2 trong màu áo Mito Hollyhock ở mùa giải 2016. Ảnh: Incheon. Lê Huỳnh Đức (Chongqing Lifan, Trung Quốc): Trước bộ ba trên, nhiều cầu thủ Việt Nam đã ra nước ngoài thi đấu. Trong đó, Huỳnh Đức có thể xem là cầu thủ Việt Nam đầu tiên xuất ngoại khi sang chơi cho Chongqing Lifan ở Super League Trung Quốc. Anh đã ghi 4 bàn tại đây, thể hiện được mình và bước đầu cho bên ngoài thấy tài năng của cầu thủ Việt Nam. Lê Công Vinh (Leixoes - Bồ Đào Nha, Consadole Sapporo - Nhật Bản): Cho đến lúc này, Công Vinh vẫn là cầu thủ Việt Nam thành công nhất trong những lần xuất ngoại. Anh một lần sang Bồ Đào Nha, một lần sang Nhật Bản, ghi bàn ở cả hai quốc gia này. Công Vinh cũng là cầu thủ Việt đầu tiên có định hướng xuất ngoại một cách rõ ràng trong sự nghiệp của mình. Nguyễn Xuân Nam (SHB Vientiane, Lào): Cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của CLB Hà Nội là cái tên nổi bật trong chiến lược hướng tới Lào của bầu Hiển trong quá khứ. Khoác áo CLB Vientiane mùa 2015, anh ghi 14 bàn, chỉ kém Vua phá lưới của giải 4 bàn đồng thời đưa đội bóng giành hạng ba. Sau này, Xuân Nam trở lại CLB Hà Nội nhưng không có nhiều cơ hội thể hiện. Nguyễn Tuấn Anh (Yokohama, Nhật Bản): Tuấn Anh lẽ ra xuất ngoại sớm hơn nếu anh không dính chấn thương khi Olympiakos ngỏ ý hồi năm 2012. Năm 2016, Tuấn Anh sang Nhật Bản cùng Công Phượng dưới màu áo Yokohama. Tuy nhiên, anh dính chấn thương và không có cơ hội được ra sân. Từ đó tới nay, Tuấn Anh vẫn bị chấn thương hành hạ. Bầu Đức từng nói Tuấn Anh là “tài năng lớn nhất mà lò JMG Việt Nam từng sản sinh”. Michal Nguyễn (Selangor FA, Malaysia): Trước Văn Lâm, Michal Nguyễn là cầu thủ Việt kiều hiếm hoi từng khoác áo tuyển Việt Nam. Anh ra sân trước UAE và Hong Kong (Trung Quốc) tại vòng loại Asian Cup 2015. Michal từng có thời gian dài khoác áo CLB Bình Dương trước khi chuyển sang chơi tại Thai League rồi Malaysia League. Mùa này, Michal Nguyễn khoác áo Selangor FA - một trong những đội hàng đầu Malaysia. Ảnh: Minh Chiến. Lee Nguyễn (Los Angeles FC, Mỹ): Lee Nguyễn chưa phải tuyển thủ Việt Nam, nhưng anh vẫn mang trong mình hai quốc tịch Mỹ - Việt. Không thành công ở V.League trong màu áo HAGL và CLB Bình Dương, Lee Nguyễn sớm tìm lại cảm hứng siêu sao khi chuyển sang chơi bóng cho New England Revolution và giờ là Los Angeles FC. Từng là cầu thủ hay nhất giải trung học Mỹ, sau này anh có tên trong đội hình tiêu biểu MLS 2014, được gọi vào đội tuyển Mỹ và từng vô địch Hà Lan với PSV Eindhoven. Ảnh: Getty. Nguồn: Zing.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét