Đã bao giờ bạn tự hỏi, vì sao chỉ một trái bóng tròn và hơn hai chục cầu thủ chạy qua chạy lại trên sân lại có thể mang tới nhiều cảm xúc cho người hâm mộ và thu hút nhiều người xem đến vậy? Bóng đá không phải là cuộc đời, nó chỉ là một cuộc chơi, nhưng phải chăng vì nó phản ánh chân thực cuộc đời và mong mỏi của đa số con người, nên bóng đá mới trở thành môn thể thao “vua”?
Tinh thần đồng đội là đại diện cho một phẩm chất đạo đức luôn đúng trong mọi thời đại
Trước hết bóng đá là một môn thể thao đồng đội. Sức mạnh tổng hợp của một đội biết phối hợp tốt luôn cao hơn rất nhiều so với sức mạnh của từng cá nhân cộng lại. Ở trong tập thể tốt, những nhược điểm của bạn trở nên bé nhỏ hơn và thế mạnh của bạn được nhân lên gấp bội. Bạn luôn được động viên và biết không được phép bỏ cuộc, bởi bên cạnh mình là những đồng đội và cuộc chơi là vì màu cờ sắc áo.
Một khi bạn không còn cách nào khác ngoài nỗ lực tiến lên vì tập thể, thì đó chính là sức mạnh vô song mà bạn không thể có được khi chỉ có một mình và không phải chịu trách nhiệm với ai khác ngoài bản thân.
Một trong những người Mỹ có tầm ảnh hướng nhất mọi thời đại (do tạp chí Time bình chọn) Henry Ford đã từng nói: “Nếu tất cả mọi người cùng nhau tiến về phía trước, thì thành công sẽ tự nó đến”.
Hay như huấn luyện viên bóng rổ nổi tiếng Phil Jackson nói về môn thể thao đồng đội khác: “Sức mạnh của đội là từng thành viên. Sức mạnh của mỗi thành viên chính là đội”.
Tinh thần đồng đội luôn gợi cảm hứng cho con người về những điều tốt đẹp, về chữ Nghĩa, một phẩm chất cần phải có của người quân tử. Bởi từ ngàn xưa, khi định ra khái niệm về Nghĩa, trong ngôn ngữ tượng hình nhiều nội hàm thâm sâu, người ta đã viết chữ Nghĩa (義) gồm chữ Dương 羊(con dê) và chữ Ngã 我 (cái tôi).
Loài dê thường sống theo bầy đàn, thể hiện cho tập thể. Chữ Ngã (cái tôi) gồm bộ thủ (tay) và bên cạnh là 1 loại vũ khí. Nó ám chỉ rằng một khi chỉ nghĩ đến cá nhân, đến cái tôi thì chính là bạn đang chăm chăm bảo vệ lợi ích của mình mà sẵn sàng chiến đấu với người khác. Thế nên, chữ Dương đứng trên chữ Ngã, là để thể hiện việc luôn đặt lợi ích của người khác, của tập thể lên trên lợi ích của bản thân mình.
Tinh thần tập thể, hay Nghĩa chính là một sự hy sinh lợi ích cá nhân, bỏ qua sự hiển thị, tự mãn hay những bất mãn từ điều nhỏ bé do cái tôi quá to lớn. Tác giả, chuyên gia tư vấn quản trị Patrick Lencioni từng nói: “Hãy nhớ rằng làm việc nhóm bắt đầu bằng việc xây dựng lòng tin. Và cách duy nhất để làm điều đó là vượt qua được nhu cầu tự phòng thủ khỏi mọi tổn thương trong mỗi người chúng ta”. Muốn có được tập thể mạnh và phối hợp tốt, thì mỗi người đều phải buông bỏ sự phòng thủ cá nhân, buông bỏ cái tôi để đặt lợi ích của tập thể lên trên hết.
Tinh thần đồng đội, vì thế luôn là hình ảnh rất đẹp trong mắt con người, nó đại diện cho chuẩn mực đạo đức luôn đúng trong mọi thời đại, là cái Nghĩa khí đẹp đẽ, bất khuất của bậc đại phu. Đó cũng chính là phẩm chất cần phải có để con người có thể cùng nhau bước qua mọi khó khăn trong cuộc sống, cùng nhau trải qua bao biến thiên thăng trầm của nhân loại.
Bóng đá đẹp là thứ bóng đá chắc chắn phải có cái Nghĩa khí ấy, là thứ bóng đá đề cao tinh thần đồng đội. Và bởi vì nó mang trong mình cái đẹp của chữ Nghĩa, nền tảng đạo đức chung của nhân loại, nên không khó hiểu khi bóng đá được nhiều người như vậy hâm mộ trên toàn thế giới, bất kể ngôn ngữ, màu da.
Bóng đá cũng vô thường và đầy bất ngờ như cuộc sống
Bóng đá chỉ là một trò chơi, tàn cuộc rồi thì mọi thăng hoa, buồn tủi đều sẽ phải được dẹp qua một bên cho những lo toàn đời thường. Thế nhưng bóng đá phản ánh chân thực cuộc sống, nên người ta luôn thích thú dõi theo cùng những nhận định và thậm chí là cả những triết lý tự rút ra cho mình.
Bởi bóng đá luôn hấp dẫn cho đến tận phút cuối cùng, không ai có thể dám chắc chắc 100% về tỷ số cho đến khi trọng tài nổi hồi còi kết thúc trận đấu. Nó cũng giống như sự vô thường của cuộc sống, bạn không bao giờ dám chắc rằng tương lai của mình sẽ ra sao. Luôn có những rủi ro, những may mắn bất ngờ, nhưng thăng, những trầm, những hội ngộ rồi lại chia ly, những giọt nước mắt và cả những nụ cười.
Đương kim vô địch hoàn toàn có thể bị loại ngay từ vòng đấu bảng, kẻ luôn ở chiếu dưới bỗng nhiên lại tiến sâu và trở thành ứng cử viên cho chiếc cúp vô địch. Chân sút số một, niềm hy vọng của đội bóng đột ngột bị nhận thẻ vàng và phải dừng chơi ở trận sau, cầu thủ dự bị có thể chỉ nhờ một cơ hội thay người lại trở thành ngôi sao vụt sáng…
Bóng đá luôn ẩn chứa những bất ngờ, nó khiến cảm xúc và tất nhiên là nồng độ hoóc-môn của người xem lên xuống một cách khó kiểm soát. Con người ngày càng truy cầu những kích thích tâm lý, nên đương nhiên sẽ cảm thấy thỏa mãn bởi những trận cầu hấp dẫn đến phút cuối cùng.
Bóng đá khiến người ta bớt chênh vênh
Cùng bình luận, hò hét và cùng chung cảm xúc với mấy ông bạn thân, với hàng triệu, thậm chí hàng tỷ người trên thế giới khiến bạn thấy mình được thuộc về một tập thể nào đó. Con người luôn muốn mình được gắn kết trong một cộng đồng càng to lớn càng tốt.
Vì sao chúng ta lại muốn được gắn kết và truy cầu những kích thích tâm lý mãnh liệt? Có phải vì chúng ta luôn thấy cô đơn và vô định, chúng ta thấy chênh vênh và chơi vơi trong cuộc đời này? Từ lúc nào đó chúng ta mất đi sự tự tại, sự bình ổn và khả năng tự cân bằng của mình, nên chúng ta phải hướng ra bên ngoài để tìm kiếm sự bấu víu. Bóng đá cho bạn điều đó mà không cần đòi hỏi gì nhiều bởi bóng đá quá đơn giản để chơi, xem và hiểu.
Trong bóng đá, một thế giới hoàn hảo hơn được chấp nhận. Không có phân biệt giàu nghèo, địa vị khi bạn cùng ngồi bên cốc bia trước màn hình lớn ở một quán xá đông đúc. Không còn những khoảng cách vô hình giữa sếp và nhân viên khi cùng nhau cổ vũ cho đội bóng yêu thích.
Không có sự mạnh, yếu nào là tuyệt đối trong bóng đá khi đội lót đường hoàn toàn có thể đứng nhất bảng và gây khó khăn không nhỏ cho đương kim vô địch. Và một cậu bé chân đất đá bóng trên vỉa hè ngày nào có thể trở thành ngôi sao được hàng triệu người hâm mộ.
Bóng đá cho người ta sự an ủi, cho người sự kết nối, niềm hy vọng và những cung bậc cảm xúc hoàn toàn khác biệt. Thế nên chúng ta yêu bóng đá, bởi chúng ta không thể tự tìm lại được sự cân bằng trong tâm hồn mình.
Bóng đá và những nét hấp dẫn đối lập
Không thể phủ nhận, bóng đá là sự kết hợp của những cặp đối lập, và nó khiến môn thể thao vua trở nên hấp dẫn giống như một cô gái vừa có tri thức sâu sắc vừa đảm đang nội trợ, vừa đẹp người nhưng lại vừa có tiết tháo, thanh tao, vừa dí dỏm lại vừa sâu sắc…
Muốn thành công trong một trận đấu, đội bóng phải hội tụ được cả yếu tố kỹ thuật và chiến thuật, cá nhân và đồng đội, nỗ lực và sự may mắn.
Một đội bóng toàn những cá nhân xuất sắc với kỹ thuật đi bóng, chạy sân tốt, thể lực dồi dào đang ở đỉnh cao phong độ, nhưng thiếu chiến thuật phù hợp, hay không am hiểu đối phương và có kế sách ứng biến mau lẹ thì cũng khó có thể giành chiến thắng.
Một đội bóng có những cầu thủ sáng giá nhất hành tinh nhưng lại thiếu tinh thần đồng đội và không hiểu ý nhau thì cũng chưa chắc đã bằng một đội dưới cơ nhưng phối hợp chặt chẽ và bọc lót tốt.
Và đôi khi dù nỗ lực đến mấy, nhưng chưa đủ yếu tố Thiên thời, Điạ lợi, Nhân hòa thì chiến thắng cũng sẽ vụt mất ngay trong tầm tay.
Môn thể thao vận động mà chàng trai nào cũng có thể chơi được không cần tốn kém đầu tư, vừa mang lại sức mạnh thể lực, vừa có dấu ấn rất rõ nét của những suy tính chiến thuật có chiều sâu. Vừa thể hiện sự điêu luyện trong kỹ thuật nhờ rèn luyện và thiên bẩm, lại vừa hấp dẫn bởi những binh pháp trí tuệ. Thế nên nó khiến rất nhiều người có thể hoàn toàn khác biệt về sở thích vẫn có thể ngồi cùng nhau mà thưởng thức trận đấu.
Hơn thế nữa, tất cả những yếu tố làm nên một trận cầu hay có thể được sử dụng, sắp xếp theo những mô hình khác nhau để tạo ra hiệu quả khác nhau, nên nó thiên biến vạn hóa và thể hiện trí tuệ của người cầm quân, thậm chí phát triển thành những triết học trong bóng đá. Vì vậy bóng đá cũng tiến hóa, nên nó trở thành môn thể thao rất hấp dẫn và người ta phải mong chờ từng giải đấu.
Bóng đá vừa “đời” lại vừa khiến người ta tạm thời quên đi những khó khăn trong cuộc sống. Bóng đá tôn vinh những giá trị đạo đức phổ quát và cũng lại rất hấp dẫn bởi sự thiên biến vạn hóa của mình. Cùng với nền công nghiệp bóng đá ngày càng đồ sộ và tinh vi hơn, nên người ta càng ngày càng thấy muốn gắn liền với những giải đấu lớn. Không có gì khó hiểu, khi túc cầu lại có ngày càng nhiều những “tín đồ” say đắm đến vậy.
Nhưng yêu bóng đã thì cũng xin hãy giữ vẻ đẹp cho bóng đá. Đó là tinh thần đồng đội, hết mình vì trận đấu, tinh thần cống hiến fair play. Đó là việc bỏ qua những hiềm khích dân tộc, cá nhân, những toan tính chính trị, kinh tế ngoài trận đấu. Đó là việc thưởng thức bóng đá thật sự chứ không phải lợi dụng bóng đá để thỏa mãn những dục vọng về tinh thần, vật chất, để không khiến bóng đá xấu đi trong mắt những người chưa yêu mến. Bởi bóng đá bản chất không có gì xấu, chỉ là con người làm cho nó xấu đi mà thôi.
ST
0 nhận xét:
Đăng nhận xét