Cho con
học bóng đá từ nhỏ
không phải là một trào lưu bùng lên trong một thời điểm rồi thôi. Ngày càng
nhiều phụ huynh cho con học bóng đá sớm bởi những lợi ích thiết thực mà môn thể
thao vua này mang lại.
Các em
nhỏ học bóng đá tại trung tâm huấn luyện bóng đá Hoàng Gia
Tôm, 5 tuổi, nhà ở khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội rất ngóng chờ các buổi sáng thứ 7 và chủ nhật để được đến sân cỏ nhân tạo khu Trung Yên học đá bóng. Những ngày có mưa phùn, trời rét dưới 10 độ C, chị Hạnh, mẹ của Tôm thông báo thầy giáo cho cả lớp nghỉ học, con trai chị đều buồn thiu.
“Tôi cho con học được 2
tuần nay, cháu rất thích khi ra sân có nhiều bạn nam mê bóng đá giống mình.
Những ngày U.23 Việt Nam đá bóng, cháu và bố cháu hò hét vang cả nhà.
Cháu bảo sẽ trở thành cầu thủ Quang Hải trong tương lai”, chị Hạnh vui vẻ kể.
Một sáng cuối tuần,
chúng tôi có mặt ở sân cỏ nhân tạo khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông, hàng chục
cậu bé từ 5 tuổi trở lên tại trung tâm bóng đá cộng đồng H.Y.S (Hanoi Young
Soccer) của HLV Phạm Minh Đức chạy nhảy tung tăng.
Anh Vinh, phụ huynh của
Sóc, cậu bé 7 tuổi cho biết lý do đưa con đến sân vì con có dấu hiệu béo phì,
mê đồ ăn nhanh và hay xem ti vi, chơi game trên điện thoại di động. “Tôi mừng
là từ ngày chuyển qua mê bóng đá, cháu đã bỏ được thói quen nghiện ti vi và
game. Cân nặng của cháu đang giảm”, anh Vinh nói.
HLV Phạm Minh Đức và các
trò nhí
HLV Phạm Minh Đức, người
đang phụ trách đội trẻ của CLB bóng đá Hà Nội FC, cho biết trung tâm của H.Y.S
do anh, HLV Nguyễn Hữu Thắng và Lưu Danh Minh cùng thành lập từ năm 2012 với 25
học trò đầu tiên. Đến nay trung tâm đã có hơn 500 học trò, tập luyện tại 8 sân
khắp Hà Nội, như sân Hoàng Hoa Thám, Chùa Láng, Đền Lừ, Văn Quán - Hà Đông… Có
nhiều học trò đã khiến HLV Phạm Minh Đức phải ngạc nhiên về cả trình độ cũng
như sự thay đổi tính cách, sau một thời gian tiếp xúc với trái bóng.
HLV Thạch Bảo Khanh, ông
thầy trẻ từng là HLV CLB Hà Nội hiện làm chủ trung tâm bóng đá cộng đồng Dream
Football cũng cho hay trung tâm của anh có đông đảo các học trò nhí. Với tâm
huyết không chỉ đào tạo những kiến thức, kỹ thuật về đá bóng, HLV Thạch Bảo
Khanh và các cộng sự cho hay họ còn dạy các kỹ năng sống cho trẻ em,
như sự kiên nhẫn, tập trung, đoàn kết với đồng đội, ý chí chiến thắng.
Trung tâm cũng thường
xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khoá như tặng quần áo ấm cho trẻ em vùng cao,
vui trung thu với các bệnh nhi để các học trò cùng chia sẻ với những hoàn cảnh
khó khăn hơn mình.
“Đó là lý do mà ngày
càng nhiều phụ huynh muốn các con của mình được tiếp xúc với bóng đá sớm. Chúng
tôi luôn nghĩ rằng, học bóng đá cũng là học làm người”, danh thủ Thạch Bảo
Khanh chia sẻ.
HLV Thạch Bảo Khanh và
các cầu thủ nhí
Chị Phạm Thị Tuyết
Trang, sống ở Q.8, TP.HCM mới đăng ký cho con trai 10 tuổi vào một trung tâm
bóng đá cộng đồng gần nhà.
Chị Trang cho biết, lý
do cho con chơi thể thao không chỉ vì sức hút của U.23 Việt Nam đang lan tỏa
mạnh mẽ. “Tôi thấy lịch học văn hóa của con quá dày đặc. Trẻ nhỏ cả ngày ở
trường rồi về nhà cũng làm bài tập, không được tham gia ngoại khóa sẽ dễ thụ
động, béo phì”, chị Trang nói.
Bác sĩ Nguyễn Văn Phú,
Phó giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam, cho biết cha mẹ cần cẩn trọng trước
nguy cơ con có thể bị chấn thương khi chơi thể thao. Sự chấn thương, theo bác
sĩ Phú có thể đến từ việc con muốn thể hiện bản thân, chơi thể thao quá sức,
tập luyện không theo hướng dẫn của HLV...
Theo bác sĩ Phú, cha mẹ
không nên cho con chơi thể thao cường độ quá cao. Bên cạnh đó, cha mẹ cần theo
dõi màu nước tiểu của con để biết con có uống đủ nước hay không.
“Nếu việc tập luyện của
trẻ đúng cách và phù hợp, chúng ta sẽ thấy trẻ tự tin hơn, mạnh mẽ tham gia tập
luyện, ăn ngon miệng và ngủ sâu giấc. Ngược lại, nếu việc tập luyện không đúng
cách và có thể có chấn thương, sẽ thấy trẻ mệt mỏi khi thức, chậm tiếp thu, ngủ
không đều và ăn uống luôn thay đổi khẩu vị mới phù hợp”, bác sĩ Phú nhấn mạnh.
Theo thanhnien.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét