5g sáng, còi báo hiệu vang lên, các cầu thủ nhanh chóng thức dậy. Gấp chăn vuông vức, vệ sinh cá nhân và 5g15 tất cả đã có mặt ở sân tập. Đó là khởi đầu một ngày bình thường của những cầu thủ năng khiếu tại Trung tâm bóng đá Viettel.
Đội U-13 Viettel - Ảnh: Nam Khánh |
Trung tâm đào tạo bóng đá Viettel nằm sâu trong ngõ 155 phố Trường Chinh (quận Thanh Xuân, Hà Nội), cách khá xa khu dân cư và trung tâm thành phố. Nơi ăn ở của các cầu thủ là dãy nhà cấp 4 được chia phòng sạch sẽ, mọi thứ đều ngăn nắp, trật tự. Đây là nơi các cầu thủ trẻ từ mọi miền đất nước đã vượt qua hành trình gian khó để được có mặt trong đội năng khiếu của trung tâm.
SINH HOẠT TRONG MÔI TRƯỜNG QUÂN ĐỘI
Ngày cuối tuần giữa tháng 3, giữa tiết trời mùa xuân lạnh, nồm ẩm của Hà Nội, ngoài sân tập các cầu thủ đã làm nóng với các bài tập thể lực, tập với bóng. Đến 6g, các em về phòng tắm rửa trước khi đi ăn sáng và vào lớp học văn hóa. Buổi tập chiều kéo dài từ 14g15-17g. Từ 19g-21g, các em học bài với gia sư của đội, 21g đi ăn tối và lên giường ngủ từ 22g.
Các cầu thủ U-15 Viettel trên sân đấu tập theo đội hình - Ảnh: Nam Khánh |
Vũ Quang Độ ở đội U-15 Viettel đã tập được hơn ba năm từ khi vào trung tâm nên quen với lịch sinh hoạt nề nếp như trong môi trường quân đội. Dù nhà ở Thái Bình nhưng mỗi năm em chỉ được về quê hai lần vào dịp tết và nghỉ hè. Độ chia sẻ: “Em thích nhất anh Văn Quyết ở CLB Hà Nội T&T và giờ mê thêm anh Tuấn Anh của HAGL. Dù có khó khăn, vất vả, em vẫn cố tập luyện tốt để được chơi bóng chuyên nghiệp”.
Hằng đêm các HLV trong ban huấn luyện thay nhau trực để đôn đốc, hỗ trợ các em thực hiện theo đúng lịch sinh hoạt. Đến từ vùng quê nắng cháy Quảng Bình, Trần Thanh Tài (14 tuổi) kể: “Ở đây giờ giấc như quân đội, tập và học mệt lắm nhưng em vẫn cố gắng vì muốn trở thành cầu thủ giỏi như anh Trọng Hoàng (Bình Dương), Tuấn Anh (HAGL)”.
“CẦU THỦ PHẢI ĐỖ ĐẠI HỌC”
Các cầu thủ phải tự gấp chăn màn... |
Quy định này nghe tưởng như đùa lại là sự thật tại trung tâm. Tất cả các em được tuyển vào lò đào tạo Viettel bắt buộc phải có học lực khá và hạnh kiểm tốt trở lên, em nào không đạt đến năm thứ hai sẽ bị loại. Ban ngày lên lớp, chiều tập bóng, tối các em vẫn miệt mài học bài. Ở nhiều đội còn có gia sư thuê riêng kèm để các em bắt kịp bạn cùng trường.
HLV Đặng Phương Nam, trưởng phòng huấn luyện Trung tâm đào tạo bóng đá Viettel, cho biết: “Có bốn tiêu chí để đào tạo một cầu thủ bóng đá Viettel thì văn hóa được xếp vị trí số 1. Cầu thủ bắt buộc phải tốt nghiệp THPT và thi đỗ đại học, có lối ứng xử văn hóa”. Tại trung tâm có không ít tấm gương học giỏi. Võ Thế Tuấn, đội U-15, bốn năm liền là học sinh giỏi toàn diện tại Trường THCS Định Công với điểm tổng kết trên 8,0. Phan Tuấn Tài là học sinh giỏi ba năm liền và hiện theo học lớp 8B Trường THCS Định Công. Trần Tiến Anh, đội U-19, nhiều lần được giáo viên gợi ý nghỉ đá bóng để chuyên tâm học vì em học giỏi toàn diện. Nguyễn Huy Hoàng đang thi đấu ở đội hạng nhì Viettel đang theo học tại Trường ĐH TDTT Bắc Ninh...
HLV Đặng Phương Nam còn nhớ mãi câu chuyện ngày vào Quảng Bình tuyển Võ Thế Tuấn ra Hà Nội để tập trung, bà nội của Tuấn cứ buồn bã hỏi: “Thầy ơi, cháu Tuấn học giỏi lắm, cháu đi đá bóng thế này thì sau có thi được đại học không?”. Câu hỏi của bà cũng là mục tiêu mà Trung tâm Viettel hướng đến, đó là không chỉ dạy cầu thủ chơi bóng mà quan trọng hơn là dạy học văn hóa, đào tạo các em trở thành người có học.
TỈ LỆ TUYỂN CHỌN MỘT CHỌI CẢ TRĂM
... và chăm sóc chấn thương cho nhau - Ảnh: Nam Khánh |
VĐV thể thao là một nghề khắc nghiệt. Để có được tên tuổi, sự nghiệp, các cầu thủ phải trải qua quá trình tuyển chọn gắt gao, bị sàng lọc, đào thải liên tục trong quá trình đào tạo. Ngay ở việc tuyển chọn đầu vào cho một lứa tuổi ở mỗi CLB như Viettel, để có tên trong danh sách đội trẻ, các em phải trải qua quá trình tuyển chọn với tỉ lệ một chọi hàng trăm.
Nguyễn Tiến Lợi thuộc đội U-15 Viettel, đến từ huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, chia sẻ: “Từ nhỏ em đã rất mê bóng đá và mơ ước được trở thành cầu thủ. Khi Viettel tổ chức tuyển chọn cầu thủ cho lớp năng khiếu U-12, bố mẹ cho em đi thi. Em vượt qua cuộc thi đầu tiên ở Hà Tĩnh với 400-500 bạn, sau đó được ra Hà Nội chọn một lần nữa với tỉ lệ chọi cao như vậy mới được là một trong 25 cầu thủ lứa U-12 năm 2012”.
Với hệ thống đào tạo bài bản của mình, Viettel đang có 146 cầu thủ chia thành bảy đội theo các lứa tuổi 12, 13, 14, 15, 17, 19, 21 và hạng nhì. Trung tâm có 17 HLV, chủ yếu là các cựu cầu thủ Thể Công như Nguyễn Hồng Sơn, Đặng Phương Nam, Đặng Thanh Phương, Nguyễn Hải Biên, Đinh Thế Nam, Ngô Tiến Dũng, Hoa Mạnh Hưng, Nguyễn Minh Tiến... Viettel được kỳ vọng sẽ trở thành một học viện bóng đá HAGL thứ hai.
Ông Nguyễn Tấn Anh, trưởng đoàn bóng đá HAGL, đánh giá Viettel là một trong những trung tâm đào tạo bóng đá uy tín ở Việt Nam nhờ truyền thống kế thừa từ CLB Thể Công với những HLV giỏi như Hồng Sơn, Phương Nam, Mạnh Dũng... và lối đào tạo, huấn luyện kỷ luật trong môi trường quân đội. Những cầu thủ được đào tạo từ lò Viettel như Bùi Tiến Dũng (vừa được HAGL mượn về thi đấu tại V-League 2015) có tính cách ngoài đời rất hòa nhã, cư xử đúng mực, còn trên sân thì mạnh mẽ.
Toàn cảnh nhà ăn - Ảnh: Nam Khánh |
“Tất cả những người đã làm việc với các cầu thủ Viettel đều thấy rõ điều này và đó chính là thế mạnh tuyệt vời mà lò bóng đá này mang lại cho các cầu thủ” - ông Tấn Anh nhấn mạnh và tin rằng trong thời gian tới, khi thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Trung tâm bóng đá Viettel và Tập đoàn HAGL được ký kết, đó sẽ là cái bắt tay mang lại nhiều thành quả cho bóng đá Việt Nam.
Năm 2009, Bộ Quốc phòng có quyết định giải thể CLB bóng đá chuyên nghiệp Thể Công và chuyển giao đội bóng cho Thanh Hóa, còn đội hạng nhất chuyển giao cho Hà Nội, xóa sổ cái tên CLB bóng đá Thể Công. Riêng lứa trẻ của Thể Công được bàn giao cho Tập đoàn Viettel tiếp tục duy trì và phát triển.
Trao đổi với TTCT, ông Hoàng Công Vĩnh, phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, cho biết mục tiêu trong ba năm nữa Viettel sẽ trở lại đấu trường bóng đá chuyên nghiệp. Viettel cũng đang thực hiện kế hoạch liên kết với CLB hàng đầu châu Âu Borussia Dortmund để thành lập học viện. Cách đây hai năm, Viettel đã cử đoàn công tác sang CLB này đặt vấn đề hợp tác. Tuy nhiên, dự án bị tạm dừng vì nhiều lý do và mới được khởi động lại.
Ngày 12-3, ông Denedikt Cholz, giám đốc đối ngoại CLB Borussia Dortmund, đã gửi thư đến Viettel để nghe đề đạt nguyện vọng hợp tác của Viettel và đã nhận được câu trả lời từ tập đoàn này. Vào tháng 6 tới, Trung tâm bóng đá Viettel sẽ chuyển lên trụ sở mới được xây dựng trên diện tích 12ha tại Hòa Lạc (cách trung tâm Hà Nội 30km). Tại đây, Viettel đã đầu tư xây nhà ở VĐV sáu tầng, khu nhà hành chính, khu nhà tập trong nhà có khán đài với thiết bị hiện đại, hai bể bơi, sáu sân tập.
|
9 nhận xét:
cháu muốn trở thành 1 cầu thủ giỏi
cháu muốn trở thành một cầu thủ giỏi
cháu muốn trở thành cầu thủ đc ko ạ
cháu muốn trở thành cầu thủ đc ko ạ
cháu muốn trở thành cầu thủ đc ko ạ
được dăng kí vào hè ko ạ
Làm thế nào để cháu đăng kí vào khóa?
làm sao để đăng kí vào clb viettel được ạk
bao gio tuyen vay a
Đăng nhận xét