HLV dạy bóng đá – Sức mạnh của người thầy
Phần đông những HLV đã và đang làm việc ở Việt Nam đều từng là cầu thủ nổi tiếng. Kỹ thuật cá nhân cũng như khả năng thị phạm của họ rất ấn tượng. Trái bóng trong chân của các HLV này tỏ ra ngoan ngoãn và hoàn toàn phục tùng ý tưởng của người điều khiển. Không ít lần các học trò phải nhìn họ với ánh mắt khâm phục. Và điều này cũng tạo rất nhiều thuận lợi để các nhà cầm quân hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Trong một buổi tập, các cầu thủ trẻ của Việt Nam năm đó có cả những siêu sao của bóng đá nước nhà như trung vệ Huy Hoàng nằng nặc đòi nghỉ sớm. Nhà cầm quân người Áo Riedl chỉ chấp nhận nếu một trong số các học trò sút được một quả chạm xà ngang từ vạch giữa sân. Sau nhiều lần thử, tất cả các cầu thủ đều bỏ cuộc bởi không ai thành công. Nhưng họ vẫn bướng bỉnh nói với ông rằng: “Thầy cũng chịu thì nói gì đến chúng em”. Không trả lời bằng ngôn ngữ, HLV Riedl lấy 3 quả bóng để ở giữa sân rồi lần lượt sút, làm rung xà ngang 3 lần. Dẫu vậy, các cầu thủ trẻ vẫn… chưa phục nên trong suốt cả đợt tập trung đó, họ vẫn tiếp tục đòi thử tài của ông thầy người Áo nhưng chưa một lần được nghỉ sớm. Một trong số họ tâm sự: “Khi biết ông ấy từng đoạt danh hiệu Chiếc giày đồng châu Âu, tôi không phục lắm và cho đó chỉ là hư danh mà ai đó cố tình tạo ra. Nhưng trăm nghe không bằng một thấy. Tôi phục sát đất và cũng tôn trọng thầy hơn kể từ đó. Giờ đây, dù thầy đã lớn tuổi nhưng trái bóng vẫn luôn phục tùng đôi chân của thầy”.
HLV người Pháp của đội Công an TP.HCM trước đây, ông Acorci, cũng là một trong những kỹ thuật gia có tiếng. Đến từ một đất nước có nền bóng đá xuất sắc, lại chịu ảnh hưởng bởi tư duy chiến thuật kiểu châu Âu nên ông tôn thờ lối chơi hiệu quả, dựa trên một lối chơi tổng lực từ 11 cầu thủ trên sân. HLV Acorci rất dị ứng với những cầu thủ chơi cá nhân và ham rê dắt. Một buổi tập trên sân Thống Nhất, ông tỏ ra rất bực mình khi một học trò của mình loay hoay tìm cách đột phá mà không chuyền cho đồng đội ở tư thế thuận lợi hơn. Dù đã căn dặn nhiều lần nhưng cậu học trò đó không những không rút kinh nghiệm mà căn bệnh “cá nhân” còn có xu hướng nặng thêm. Ông nói với cậu học trò: “Anh chọn thêm một hậu vệ hay nhất theo quan điểm của anh. Cả hai thử lấy bóng của tôi đi”. Dù thể hình khá nặng nề nhưng HLV Acorci vẫn làm hai cậu học trò bở cả hơi tai. Khi các học trò đã giương cờ trắng chịu thua, ông dừng bóng lại rồi ôn tồn giải thích: “Tôi cũng có thể sử dụng kỹ thuật của mình để đột phá và rê dắt nhưng nếu có sự lựa chọn, tôi sẽ chuyền cho đồng đội. Điều đó có hai cái lợi: Thứ nhất, chính bản thân tôi tránh được những chấn thương không cần thiết. Thứ hai, ở tư thế thuận lợi, cơ hội ăn bàn của đội tôi sẽ cao hơn rất nhiều. Như vậy là được rất nhiều thứ và đó cũng là triết lý của bóng đá hiện đại”. Kể từ đó, sau khi đã có bài tập thị phạm ấn tượng, bệnh cá nhân của cầu thủ nọ cũng thuyên giảm đáng kể. Ngoài ra, HLV Acorci cũng hay thực hiện màn biểu diễn tâng bóng rất đẹp mắt với những động tác kỹ thuật khó. Điều đó giúp ông tăng uy tín trong mắt các học trò. HLV Dido khiến các tuyển thủ Việt Nam đếm mỏi mồm và lảng cả ra chỗ khác.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét