HLV bóng đá – nghề khắc nghiệt
Bóng đá được mệnh danh là “môn thể thao vua” trước hết bởi nó là một trong những môn thể thao mang tính tập thể hấp dẫn nhất. Để tập thể ấy có thể thành công, vai trò của người HLV luôn được đặt lên hàng đầu. Và để dẫn dắt một đội bóng đá ở trình độ chuyên nghiệp thì luôn đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Bài viết này dựa trên những đúc kết, phân tích từ thực tiễn huấn luyện bóng đá đỉnh cao thế giới, do Andy Roxburgh – giám đốc kỹ thuật của UEFA cùng các cộng sự thực hiện và mới công bố hồi đầu tháng 8 này dưới tên gọi “What makes a coach?” (tạm dịch: Điều gì tạo nên một HLV?).
Thử thách khủng khiếp về tinh thần
Nhìn từ bên ngoài, HLV như một nghề kém nguy hiểm, hào nhoáng và bóng bẩy nhưng nó là một công việc thử thách tinh thần khủng khiếp đến kiệt sức. Bóng đá hiện đại đang có xu hướng hướng đến sự hoàn hảo với khối lượng thông tin tăng chóng mặt gắn với khoa học thể thao và phân tích dữ liệu. Những khoảng không gian trên sân ngày một chật hơn và cường độ của công việc quản lý bóng đá ngày một cao hơn.
Công việc ngày càng phức tạp nhưng sự kiên nhẫn ngày một ít đi, các HLV có rất ít thời gian để giải quyết chúng. Kết quả sinh ra là các đội bóng được xây dựng một cách vội vàng, nơi sự gắn kết luôn là thứ cuối cùng được mài giũa. Từ ngoài nhìn vào, ta chỉ thấy được sự hào nhoáng và sự đoàn kết giả tạo, những thứ vốn không làm nên sự vững chắc về lâu dài mặc dù thấy được rất nhiều điều hứa hẹn qua những gì họ thể hiện.
Vinh quang và cay đắng
Nhắc đến những HLV nổi tiếng, người ta thường nghĩ đến hình ảnh hào nhoáng của họ trên sân bóng, ti-vi hay các phương tiện truyền thông khác. Người ta cũng thường nhắc đến khoản thu nhập kếch sù mà các HLV nhận được. Tuy nhiên, không nhiều người nghĩ đến áp lực kinh hoàng mà các nhà cầm quân gánh chịu. Cảnh HLV Kean đang chỉ đạo trận đấu dưới sân trong khi các cổ động viên trên khán đài la hét và giơ khẩu hiệu đòi đuổi ông, hay hình ảnh HLV Arsene Wenger gục đầu vì những trận thua liên tục của Arsenal thật não lòng, cho thấy, khoảng cách giữa vinh quang và cay đắng của nghề cầm quân là hết sức mong manh.
Cái bạc của nghề HLV còn nằm ở những việc không liên quan đến chuyên môn như chuyện HLV Henrique Calisto buộc phải chia tay với đội bóng Muang Thong United (Thái Lan) chỉ vì ban lãnh đạo Câu ljac bộ này gây sức ép đòi ông đưa tiền đạo Robbie Fowler vào sân. Hay HLV người Áo Alfred Riedl sau một đêm thức dậy biết mình bị sa thải khỏi vị trí HLV đội Indonesia vì êkip khác đã thắng trong cuộc bầu cử vào Liên đoàn Bóng đá.
Người ta ví những ông thầy trên băng ghế huấn luyện như các thuyền trưởng lãnh trọng trách hướng đội bóng đến bến bờ vinh quang. Chỉ có điều, bão táp trên sân cỏ luôn nổi lên dữ dội và đầy bất ngờ, khó dự báo.
Sự lựa chọn của cuộc đời
Lựa chọn nghề HLV, ở cấp độ cao nhất của nó (HLV các đội bóng chuyên nghiệp) cũng có nghĩa bạn đã chấp nhận bước vào một nghề có thể tạo nên danh tiếng, nhưng cũng bao gồm cả những rủi ro về sức khỏe cũng như triển vọng tương lai. Nói như Guardiola sau khi từ chức HLV trưởng của Barcelona, “đấy là lựa chọn của cuộc đời”.
Với HLV chuyên nghiệp, sức ép công việc luôn là “bạn đồng hành”. Bạn không chỉ phải lo lắng về kết quả từng trận đấu mà còn cần suy nghĩ về việc phát triển các tài năng trẻ; chống chịu sức ép để làm hài lòng giới báo chí; phải biết kìm chế trước những lời chỉ trích từ nhiều phía và tỉnh táo trước những lời khen ngợi…
Arsene Wenger, HLV trưởng của Arsenal đưa ra ý kiến về cách tiếp cận nghề HLV của ông: “Trước hết cần thật sự say mê và chia sẻ với các cầu thủ của mình không những quan điểm về bóng đá mà cả tầm quan trọng của bóng đá trong cuộc sống”. “Sir” Alex Ferguson của M.U thì nhấn mạnh về công việc đặc thù của mình tại CLB: “HLV trưởng là người đứng đầu một đội ngũ Ban huấn luyện (BHL). Luôn cần có những thành viên khác để làm những việc bạn không thể làm; những người đại diện giải quyết những việc bạn không thể tự mình giải quyết hết…”. Vâng, quả thật bất ổn khi HLV trưởng cũng đồng thời phải chuẩn bị từng cái marker (cọc tiêu để tập các bài chiến thuật) như không ít đội bóng ở VN.
Trên tất cả, một khi đã xem HLV là lựa chọn của cuộc đời thì đương nhiên bạn cần sẵn sàng cống hiến tất cả trí tuệ và sức lực của mình để đáp ứng những đòi hỏi của nó.
Cần gì để phát triển nghề nghiệp?
Cựu danh thủ Frank Rijkaard, từng vô địch châu Âu dưới màu áo AC Milan, Ajax Amsterdam và tuyển Hà Lan sau này trở thành một HLV nêu quan điểm: “Việc trở thành một cầu thủ đỉnh cao sẽ là chìa khóa mở ra cánh cửa bước vào nghề HLV. Nhưng để bước qua được cánh cửa ấy, trước hết bạn cần nhiều điều khác để chứng minh năng lực của mình”. Rijkaard đã chứng minh bằng việc dẫn dắt Barcelona giành UEFA Champions League 2006. Một cầu thủ nổi tiếng luôn có lợi thế nhất định, nhưng để có chỗ đứng thật sự trong vai trò HLV thì cần thêm nhiều yếu tố khác.
Jose Mourinho được xem là một trường hợp rất đặc biệt, một “HLV bẩm sinh”. Nhưng thành công không tự nhiên đến. Trước hết, “người đặc biệt” đã tự trang bị kiến thức cho mình rất tốt. Ông được đào tạo về giáo dục thể chất ở trường đại học. Sau đó, ông tham dự các lớp HLV (trong đó 2 lớp đầu tiên tại Scotland do chính Andy Roxburgh – giám đốc kỹ thuật của UEFA làm giảng viên), sau đó là những chương trình về quản lý bóng đá.
Fabio Capello, HLV lừng danh người Ý nhận xét: “Việc có bằng cấp HLV – tức được đào tạo chính quy – dĩ nhiên chưa thể đảm bảo cho thành công, nhưng nó là nền tảng ban đầu rất cần thiết của HLV chuyên nghiệp”. Ngoài những kiến thức chung, các HLV cần không ngừng học hỏi (đặc biệt là từ các bậc “tiền bối”) để tiến bộ hơn từ thực tiễn, kinh nghiệm làm việc, từ đó bổ sung thêm vào “vốn liếng” của mình. Hãy trở lại với thực tế của Jose Mourinho: Sau một thời gian dẫn dắt các đội trẻ, ông đã xin làm trợ lý tại các CLB như Sporting, FC Porto, sau đó là Barcelona. Tại Barca, Mourinho đã có cơ hội gần gũi và học hỏi rất nhiều từ những người thầy nổi tiếng: Bobby Robson và Luis Van Gaal.
Guy Thys – HLV huyền thoại người Bỉ – khẳng định: “Công tác đào tạo luôn không thể thiếu. Nhưng các trận đấu mới là bài kiểm tra cơ bản, từ đó rút ra những bài học quý”. Từ những gì học được, Mourinho đã vận dụng kiến thức vào thực tế khi quyết định tách khỏi các ông thầy để “cầm quân ra trận”. Kết quả là chỉ sau 4 năm trực tiếp dẫn dắt các CLB, danh tiếng của ông đã được cả thế giới biết tới với chiến tích vô địch UEFA Champions League cùng FC Porto.
Câu chuyện về con đường đi riêng của Jose Mourinho đã cho thấy nhiều điều. Trên thực tế, nó có thể rút ra nhiều điểm chung, rất quan trọng xung quanh hành trang cần thiết của các HLV bóng đá chuyên nghiệp. Đấy là sự tổng hòa (và chắt lọc) từ kinh nghiệm sống, quan điểm chuyên môn, học tập các chiến thuật, cách ứng dụng khoa học công nghệ, cách xây dựng đội bóng, tạo dựng các mối quan hệ, huấn luyện tâm lý…
Nôm na, HLV là người biết cách: huấn luyện, dạy dỗ, quản lý, dẫn dắt, học hỏi, giao tiếp, tổ chức, lập kế hoạch, chuẩn bị, phân tích và lựa chọn. Nếu là một HLV (hay dự định đi theo con đường này), bạn nên tự nhìn nhận lại xem mình còn thiếu gì trong các yếu tố trên. Nhưng chừng ấy vẫn chưa đủ, HLV nên xem bóng đá như chính cuộc đời mình. Nói như Vicente Del Bosque: “Nếu chỉ biết bóng đá, bạn sẽ thất bại!”.
TRUNG TÂM HUẤN LUYỆN BÓNG ĐÁ HOÀNG GIA
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Văn Phòng: 61 Đường D5, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TPHCM
Điện Thoại: 090.264.1618 - 0933.257.301
Email: royalfootballclup@gmail.com
0 nhận xét:
Đăng nhận xét